Bệnh còi xương ở trẻ em: có thể điều trị bằng dinh dưỡng

Bệnh còi xương ở trẻ là do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó dinh dưỡng được xem một trong những nguyên nhân quan trọng nhất. Vì thế, ngay từ những năm tháng đầu đời, bố mẹ nên chuẩn bị cho trẻ một chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp để góp phần phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này.

Bệnh còi xương ở trẻ
Bệnh còi xương ở trẻ em liệu có thể giải quyết bằng dinh dưỡng?

Cùng K&K Baby tìm hiểu kỹ hơn ở bài viết dưới đây nhé.

Bệnh còi xương ở trẻ là gì?

Còi xương là tình trạng rối loạn gây giảm khoáng hóa của đĩa sụn tăng trưởng, giảm khoáng hóa xương ở trẻ nhỏ, trẻ em, thanh thiếu niên đang lớn do thiếu vitamin D hoặc khiếm khuyết về chuyển hóa và chức năng của nó, thiếu canxi hoặc phosphat hoặc giảm hoạt động của phosphataza kiềm.

Có 3 dạng còi xương: Còi xương dinh dưỡng; còi xương do rối loạn chuyển hóa vitamin D hoặc giảm hoạt động của vitamin D (còi xương phụ thuộc vitamin D/còi xương kháng vitamin D); Còi xương do rối loạn tái hấp thu phospho ở ống thận (Còi xương phosphopenic di truyền). Trong khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập đến còi xương dinh dưỡng.

Còi xương dinh dưỡng là bệnh loạn dưỡng xương do thiếu vitamin D hay rối loạn chuyển hóa vitamin D, ảnh hưởng đến chuyển hóa hấp thu canxi và phospho trong quá trình tạo xương. Còi xương do thiếu vitamin D là bệnh hay gặp ở trẻ em, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại các hậu quả không mong muốn cho trẻ như biến dạng ở xương, răng, ảnh hưởng đến phát triển tầm vóc.

Bệnh còi xương ở trẻ

Dấu hiệu của bệnh còi xương ở trẻ?

Trẻ cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng khi có những dấu hiệu của bệnh còi xương ở trẻ sau đây:

  • Trẻ ra nhiều mồ hôi ngay cả khi trời mát, thường vào buổi đêm (còn gọi là mồ hôi trộm)
  • Trẻ kích thích, khó ngủ, quấy khóc, giật mình, có thể có nôn trớ.
  • Trẻ rụng tóc gáy hoặc rụng tóc vành khăn (còn gọi là dấu hiệu chiếu liếm)
  • Xương sọ mềm, dễ bị méo mó, đầu bẹt phía sau hoặc méo sang một bên
  • Thóp chậm liền, bờ thóp mềm, chồng khớp sọ
  • Đầu có bướu trán, bướu đỉnh
  • Lồng ngực hình ức gà, chuỗi hạt sườn
  • Vòng cổ chân, vòng cổ tay, xương chi cong, chân cong hình chữ X, chữ O
  • Răng mọc chậm, men răng kém, hay bị sâu răng
  • Trẻ chậm phát triển vận động: chậm lẫy, chậm bò, chậm ngồi, chậm đi…
  • Đối với trẻ lớn, có thể thường xuyên bị đau nhức mỏi xương dài vào chiều tối hoặc ban đêm.
  • Đối với dấu hiệu còi xương cấp và nặng có thể gặp: tiếng thở rít thanh quản, cơn khóc lặng, co giật do hạ canxi máu.

Nếu tình trạng bệnh còi xương ở trẻ không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biếng ăn, suy dinh dưỡng, thiếu máu.

Tham khảo: Tìm hiểu về cân nặng thai nhi theo chuẩn WHO

Hậu quả của bệnh còi xương ở trẻ?

Bệnh còi xương ở trẻ nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời sẽ đối mặt với những biến chứng nguy hiểm, hay những di chứng ảnh hưởng xấu đến ngoại hình, khiến trẻ tự ti, mặc cảm khi trưởng thành. Bệnh còi xương ở trẻ có thể gây nên những di chứng như:

  • Lồng ngực biến dạng, vẹo cột sống, gù, chức năng hô hấp bị hạn chế
  • Chân tay cong, chân vòng kiềng (chữ O) hoặc chân chữ bát (chữ X), dị tật răng gây kém thẩm mỹ
  • Khung xương chậu hẹp, gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này
  • Chậm tăng trưởng chiều cao, nguy cơ suy dinh dưỡng thấp còi ảnh hưởng đến giống nòi
  • Loãng xương và nguy cơ gãy xương khi trưởng thành

Ngoài di chứng gây biến dạng xương, trẻ còi xương sẽ bị giảm miễn dịch, do đó dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn nhất là viêm phổi.

Bệnh còi xương ở trẻ

Điều trị bệnh còi xương ở trẻ

  • Liệu pháp điều trị còi xương cho trẻ em bao gồm thuốc cùng chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý phù hợp với độ tuổi của trẻ.
  • Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc cho con bạn, tuỳ theo mức độ thiếu vitamin D, canxi và các vi chất dinh dưỡng khác.
  • Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin D cần theo chỉ định của bác sĩ với liều lượng và thời gian phù hợp để tránh tình trạng dư thừa gây ngộ độc vitamin D. Trong một số trường hợp uống quá liều và kéo dài sẽ làm tăng canxi máu và vôi hóa mạch máu gây sỏi thận.

Ngoài ra, vitamin D có thể được cung cấp từ thức ăn. Thực phẩm có chứa nhiều vitamin D là cá hồi tự nhiên 600 – 1000 IU/100g, cá hồi nuôi 100 – 250 IU/100g; lòng đỏ trứng 107 IU/100g. Hàm lượng vitamin D của sữa công thức có khoảng 35 – 40 IU/100ml, sữa mẹ chỉ có khoảng 4 IU/100ml và phụ thuộc vào tình trạng vitamin D trong cơ thể người mẹ.

Bệnh còi xương ở trẻ

Nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ bị còi xương

Nếu có chế độ dinh dưỡng và điều trị phù hợp, tình trạng còi xương của trẻ sẽ khỏi hoàn toàn. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em bị còi xương phải đảm bảo đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng theo nhu cầu khuyến nghị: chất bột đường (glucid), chất đạm (protein), chất béo (lipid), chất xơ, vitamin và khoáng chất, nhưng phải cân đối ưu tiên nguồn đạm động vật và nguồn thực phẩm giàu vitamin D, canxi.

Ưu tiên các thức ăn giàu canxi, giàu đạm: Chọn các thực phẩm giàu canxi, giàu chất đạm như: Sữa, trứng, lòng đỏ trứng, thủy sản, thịt gà, thịt cóc, cua, tôm, cá,…

Ăn nhiều rau xanh, quả chín: Ăn nhiều rau xanh quả chín cũng giúp trẻ phát triển xương tốt vì rau quả cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng, hơn nữa lại phòng ngừa táo bón.

Không quên bổ sung chất béo: Chế độ ăn của trẻ cần có lượng dầu mỡ đầy đủ với nhu cầu theo tuổi của trẻ.

Một số loại thực phẩm nên hạn chế cho trẻ ăn là các đồ chiên, rán nhiều dầu mỡ, các loại nước ngọt có ga hay các đồ ăn nhanh. Những loại thực phẩm cao năng lượng như mỡ, bơ, bánh kẹo, socola… chứa nhiều chất béo cũng là những thực phẩm nên kiêng với trẻ còi xương.

Trên đây là những thông tin chi tiết về bệnh còi xương ở trẻ mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo. Hi vọng sẽ giúp ích cho quá trình chăm sóc bé, cùng bé phát triển mỗi ngày.

Xem thêm nhiều thông tin hay trên Fanpage K&K Baby Boutique.

Bài viết có hữu ích với bạn?

Hãy xếp hạng bài viết này!

Điểm đánh giá trung bình 0 / 5. Số lượt bình chọn: 0

Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *